CHUYỆN MẤY CÂY XĂNG Ở MỸ

CHUYỆN MẤY CÂY XĂNG Ở MỸ
#lairaimyquocNDL
Lâu quá mình mới quay lại với chùm bài này. Thôi thì trên tinh thần lai rai, tiện khi nào mình viết khi đó ha các bạn!
Hồi còn ở nhà, coi phim Mỹ, mình rất thích hình ảnh mấy cây xăng bám lề những cao tốc hoang vu, hay ẩn mình trong một góc rừng ở những thị trấn nhỏ. Bối cảnh nhiều bộ phim kinh dị, hình sự cũng hay có mấy cây xăng, với những tay tài xế xe tải hạng nặng đầy bí ẩn…
Qua Mỹ, mấy cây xăng trong phim hiện ra đầy trước mặt hằng ngày. Nửa ký ức, nửa thực tại cứ ẩn hiện, đan xen… nhìn chúng mà thấy mình vẫn như đang coi phim. Ngoài lý do phim ảnh, chẳng hiểu sao mình cứ bị mấy cây xăng thu hút. Ở đó, nếu nhìn cho kỹ, cũng là cả một “kho” đời sống, kinh tế, an ninh, phận người…
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, đám mây và ngoài trời
Điều đầu tiên, dễ nhận thấy, đó là giá xăng ở mỗi cây xăng luôn được hiển thị trên một tấm bảng lớn, có trụ rất cao, nhìn từ xa trên đường đã thấy. Giá xăng luôn chênh nhau giữa các cây xăng, ít thì 5- 7 cents/gallon (3.785 lít), nhiều có thể tới 20- 30 cents. Điều đặc biệt, hai cây xăng ở ngay cạnh nhau, của hai hãng, có thể có giá xăng chênh nhau tới 10 cents hoặc hơn (hình dưới, giá một bên là 2.59/gallon, bên kia là 2.49/gallon- phần giá dầu hiển thị mấy số 8 màu xanh liền nhau, do bảng... bị lỗi!). Vì xăng dầu ở Mỹ là thị trường tự do, các hãng tự cạnh tranh, hạ giá xăng xuống thấp, hoặc có những cách thức thu hút riêng để kéo khách hàng. Điều khác biệt ở Mỹ với VN, đó là giá xăng thấp hơn giá dầu khoảng 20 cents/gallon. Có người lý giải, do các loại xe chạy dầu thường gắn với kinh doanh, nên chịu thêm thuế- mình chưa tìm hiểu kỹ hơn vụ này. Có nhiều app trên điện thoại, máy tính, báo giá xăng để người dùng so sánh. Thí dụ gõ “gas prices” trên Google Maps, nó sẽ hiện ra các cây xăng gần mình nhất, cùng giá của từng cây được cập nhật, để mình chọn ghé đổ, sao cho tiết kiệm hơn.
Xăng dầu cũng khác biệt về giá ở từng tiểu bang. Thí dụ hiện tại, giá xăng ở Texas đang giao động quanh khoảng 2.50 đô/gallon- 21 ngàn VNĐ/lít. Còn giá xăng ở California đang từ 4- 5 đô/gallon- bởi xăng Cali phải gánh nhiều… thuế. Và xăng ở Cali là nơi đắt nhất nước Mỹ, cao hơn mức trung bình liên bang từ 1.2- 1.3 đô/gallon. Vì vậy trên cùng một con đường cao tốc xuyên bang, giá xăng bên này bên kia biên giới bang có thể chênh nhau vài đô/gallon.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Nơi mỗi cây xăng luôn có một cửa hàng “tổng hợp mini”, rộng vài trăm mét vuông, bán nước uống, bia, rượu, thuốc lá, đồ ăn vặt, dụng cụ cá nhân và cả đồ lưu niệm. Giá cả luôn cao hơn trong các siêu thị lớn chút ít, nhưng tiện lợi, nên vẫn có khách hàng ra vô thường xuyên. Các cửa hàng này thường mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10- 12 giờ đêm. Có một điều… thú vị, trong các cửa hàng này luôn có… nhà vệ sinh (restroom) sạch sẽ. Đi trên đường nếu kẹt, cứ tấp vô, “đi” miễn phí, không cần phải mua hàng hay đổ xăng gì cả. Vì vậy số lượng nhà vệ sinh miễn phí ở Mỹ có mật độ rất dày, không lo bị… bí!
Đặc biệt, tại Texas có một chuỗi cây xăng kèm dịch vụ dừng chân lữ hành và bán hàng khổng lồ, đó là chuỗi cây xăng Buc-ee’s. Mỗi điểm này rộng hàng chục ngàn mét vuông, với số lượng trụ bơm xăng tới hàng trăm trụ. Bên trong là cửa hàng, bán đủ thứ, đi mỏi giò không hết. Cùng lúc tại đây luôn có sự hiện diện của cả ngàn lượt khách (hình dưới, một trạm xăng Buc-ee’s với hàng trăm trụ bơm, trong hình chỉ là một góc).
Đến một khu vực nào đó, muốn biết tình hình an ninh ở khu đó có tốt không, có nên chọn… mua nhà ở khu đó không, có thể ghé chính các cửa hàng nơi cây xăng. Ở những nơi tình hình an ninh không tốt, ngăn cách giữa người bán hàng và khách hàng phía ngoài luôn là một lớp kính chống đạn, giao dịch thông qua cái khe ở dưới tấm kính. Có nhiều nơi phức tạp, các cửa hàng này bị cướp 1- 2 lần trong năm là… chuyện thường. Ơn trời, số các cửa hàng này không nhiều. Người bán hàng và khách hàng có thể đứng “tám” với nhau đôi điều ba chuyện, vì thường họ khá biết nhau- khách hàng là người loanh quanh khu đó, thường ghé mua hàng, như kiểu tiệm “chạp phô” trong xóm nhỏ ở Sài Gòn vậy.
Có một đúc kết, chủ cây xăng ở Mỹ thường là… người Ấn Độ. Dân Ấn Độ ở Mỹ thường làm việc trong các lãnh vực công nghệ cao, bác sĩ, kỹ sư… Vì người Ấn rất giỏi toán học- khoa học. Thành phần người Ấn qua Mỹ thường là qua bởi trình độ cao, theo các chương trình thu hút chất xám của Mỹ. Người gốc Ấn giàu, lại… tiết kiệm, ít tiêu xài, sinh hoạt bó hẹp trong cộng đồng riêng. Vì vậy họ có vốn, bỏ tiền ra đầu tư làm cây xăng- cùng dịch vụ đi kèm.
Trong hình ảnh có thể có: đêm, bầu trời và ngoài trời
Các cây xăng giờ đây đã hoàn toàn để khách hàng tự bơm xăng, với các trụ xăng “thông minh”, trả tiền qua thẻ. Vì vậy không còn một lực lượng lao động đứng bơm xăng như xưa- một công việc mà giới sinh viên hay người mới nhập cư hay chọn để kiếm thêm, giờ nhắc lại như “một thời kỷ niệm”. Chính vì tự bơm xăng, trả tiền, nên cũng có nhiều người lúng túng khi lần đầu qua Mỹ, ghé đổ xăng. Trên mạng có cái clip 2 cô gái Nga, ghé một trụ xăng ở Mỹ, loay hoay đứng tìm cách bơm xăng, khiến bà con coi clip cười bò lê, cho đến khi có một người tới giúp 2 cô gái.
Tuy không còn người đứng bơm xăng, nhưng vẫn còn các nhân viên bán hàng tạp hóa phía trong. Những người này ở bang mình thường là dân nhập cư nghèo, đến từ Nam Mỹ- dân Việt hay gọi chung là “người Mễ”. Cũng có một số là người Mỹ, tranh thủ làm thêm ngoài giờ, nhưng vì lương làm công việc này không cao, nên nhìn chung vẫn là người “nghèo”. Họ dễ bắt chuyện, cũng thường hay chủ động hỏi thăm mình. Thí dụ bữa rồi mình ghé một cây xăng quen, mua mấy chai bia, anh chàng bán hàng hỏi: Ồ, lâu quá sao ít thấy ông ghé? Mình nói: À, hồi này tui mắc đi làm, thường chạy đường khác, ít ghé ngõ này… Anh chàng lại hỏi về công việc của mình. Đại loại vậy. Ở cây xăng gần nhà mình có một cô bán hàng gốc Nam Mỹ, còn rất trẻ, xinh xắn, mắt sâu thẳm. Mình ghé khi vắng khách, hay thấy cô ta nhìn ra cửa xa xăm, đôi mắt thiệt buồn. Cô nói tiếng Anh cũng… cà lăm giống mình. Hình như cũng là một thân phận lạc trôi, có một quê nhà u uất, thăm thẳm sau lưng… Mình đang tính xin vô làm việc tại cây xăng này, chỉ để tìm hiểu, tại sao cô ấy có đôi mắt buồn như vậy. Nhưng chỉ sợ sau đó, mình sẽ buồn cả khuôn mặt chớ không riêng đôi mắt...
(
Nguyễn Danh Lam)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ