PAMIRR HIGHWAY - GIAN NAN VƯỢT CUNG ĐƯỜNG HIỂM TRỞ NHẤT THẾ GIỚI

GIAN NAN VƯỢT CUNG ĐƯỜNG HIỂM TRỞ NHẤT THẾ GIỚI
Trong phần lớn lịch sử của đất nước, Tajikistan ngày nay là một phần của các đế quốc Ba Tư hùng mạnh trải qua nhiều thế kỷ. Khu vực này trước đây đã có một vị trí quan trọng đối với sự hưng thịnh của trong văn hóa và ngôn ngữ của Ba Tư... Và không chỉ thế, Tajikistan còn có một cung đường Pamir hiểm trở, hoang vắng, thử thách biết bao kẻ ngao du...
Kết quả hình ảnh cho cung đường Pamir

"Nhà thám hiểm Marco Polo ở thế kỷ XIII đã từng viết trong quyển du ký của mình về Pamir: “Thật sự có một vùng đất mênh mông được gọi là dãy Pamir, các lữ khách sẽ mất đến mười hai ngày ròng rã trên lưng ngựa để băng qua một sa mạc cằn cỗi không có bất kỳ sự sống nào, vì thế họ cần phải mang theo mọi thứ cần thiết để sinh tồn. Trên dãy núi cao và lạnh lẽo ấy không có lấy một cánh chim trời đang chao liệng, những ngọn lửa sẽ không cháy sáng như thường lệ hay không tỏa ra lượng nhiệt nóng đủ để sưởi ấm vì cái lạnh cắt da cắt thịt ở đây…”
Ở thị trấn hẻo lánh Murghab trên dãy Pamir chỉ có một bến xe duy nhất để vận chuyển khách đi Osh hoặc trở về Khorog. Nói là bến xe cho hoành chứ thật sự nơi đây là bãi đất trống ven con đường nhựa ngay trung tâm thị trấn. Bãi xe khá lầy lội bởi cơn mưa hiếm hoi ở vùng cao này ngày hôm qua làm nước chưa kịp rút. Việc bắt xe ở đây cũng là một sự may rủi nên tôi phải tranh thủ thời gian để không bị tình trạng hú vía như hôm trước. Bến lèo tèo một vài con xe 7 chỗ, trong đó có chiếc xuôi về thị trấn Khorog trong khi duy nhất một chiếc có gắn biển số Kyrgyzstan thì ngược lên Osh. Chuyến xe đến Osh hiện giờ đã có ba khách lữ hành. Vậy nếu thêm tôi thì xe đã có tổng cộng bốn người cho cuộc hành trình này, nên khả năng tìm thêm khách để ghép cũng sẽ dễ dàng hơn. Một bạn trẻ người Nhật, một người Hàn và một khách Việt Nam, ba gã châu Á làm bạn đồng hành cũng có nhiều điểm dễ đồng cảm. Chúng tôi quyết định chờ đợi thêm một vài khách để tiết kiệm chi phí. Gần một giờ sau đó, một anh chàng người Đức với chiếc quần sọc màu xanh chuối xuất hiện. Anh ta nói với chúng tôi là có hai người, anh ta và bạn trai của mình sẽ đi đến hồ Karakul, xấp xỉ nửa đường về lại Osh. Thế là chúng tôi cũng có đủ số lượng khách như mong đợi để có thể khởi hành trên đoạn đường Pamir hẻo lánh này. Tài xế người Kyrzgystan buộc chặt hành lý trên nóc xe và bắt đầu thu tiền hành khách trước khi xuất phát. Bỗng anh người Đức yêu cầu chỉ trả 50% trước, sau khi đến Karakul anh ta sẽ trả nốt phần còn lại. Tôi nghĩ thầm trong bụng anh chàng này quả thật là kỹ tính. Trước sau gì cũng thanh toán nên có thể trả luôn cho tài xế để họ còn đổ dầu theo lời giải thích của bác tài và tôi thấy người Kyrgyzstan có thể tin tưởng được qua 10 ngày lang thang trên đất nước của họ khi tôi không phải gặp bất kỳ trường hợp trở ngại nào từ cánh lái xe. Ba chúng tôi thương lượng và đồng ý chi trả 100% cho bác tài. Tuy nhiên, anh chàng cao to người Đức và người bạn trai đó nhất quyết không chịu. Họ nói không có lý do gì khi họ chưa sử dụng được dịch vụ mà phải thanh toán 100%. Cả hai phải chịu rủi ro phân nữa, nghĩa là họ chỉ thanh toán 50% trước khi họ sử dụng dịch vụ, phần còn lại họ sẽ thanh toán nốt sau khi sử dụng dịch vụ. Hai bên thương lượng bất thành. Thế là chúng tôi cũng thất vọng vì cứ tưởng xe sẽ được lăn bánh sau khi đã tìm đủ số người. Chúng tôi cũng có bàn bạc đôi chút để xem có nên chờ đợi tí nữa hay không hay mỗi người bỏ thêm một chút tiền để trả cho phần còn lại để xe khởi hành sớm. Chúng tôi đang cố nán thêm mươi phút thì bác tài thông báo có một khách quen gọi điện để trở về Osh. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Dường như đường đi trên Pamir không hề dễ chút nào, trong đó có cả việc tìm phương tiện di chuyển mà nhiều sách tư vấn du lịch luôn cảnh báo những ai muốn khám phá cung đường hẻo lánh dài khoảng 400 km. Pamir luôn kích thích bởi sự hoang vắng và cảnh sắc ngoạn mục như một thế giới khác.
Hình ảnh có liên quan
Về mặt lịch sử, dãy núi Pamir từng được coi là hành trình thương mại chiến lược giữa khu vực Kashgar (thuộc Tân Cương, Trung Quốc) và vùng Kokand (thuộc Uzbekistan) trên Con đường tơ lụa và đã từng là mục tiêu của nhiều vụ tranh giành lãnh thổ trong quá khứ. Con đường tơ lụa thuộc nhánh phía Bắc, dài khoảng 2.600 km, nối liền kinh đô cổ đại của Trung Quốc là Tây An với phía Tây, vượt qua dãy núi Pamir tới Kashgar trước khi nối với đế quốc Parthia cổ đại (247 TCN- 224 SCN). Ở thế kỷ XIX, vùng Pamir được xem nơi tranh chấp, xung đột giữa đế quốc Anh và đế quốc Nga trong vấn đề tranh giành quyền kiểm soát ở Trung Á. Trong thế kỷ trước, dãy núi hiểm trở này là nơi diễn ra cuộc xung đột nội bộ, nơi tranh giành biên giới giữa hai ông lớn Liên Xô cũ và Trung Quốc bằng chứng hiện giờ vẫn còn nhiều di tích, đồn bót quân sự của Nga dọc trên tuyến đường biên giới này.
Cung Pamir được dân khám phá đánh giá là một nơi đẹp đẽ nhất và cũng là nơi khó đến nhất trên trái đất. Thiên nhiên hùng vĩ với những dãy tuyết sơn như chạm trời, một vài đàn bò lông dài thong thả gặm cỏ bên các sườn núi cao mà không thấy người chăn thả, những luống hoa dại vàng rực ven đường vào mùa hè…tất cả được xếp đặt trong một không gian bao la rộng lớn. Khi xe dừng lại bên đường, tôi cố gắng lắng nghe một vài âm thanh nào đó trên Pamir nhưng tuyệt đối không nghe bất kỳ một thứ tiếng động nào trên những rẻo núi cao ngoài tiếng rít của gió nhè nhẹ qua mang tai. Không gian cô tịch đã hiện diện trên Pamir từ ngàn năm qua và bây giờ vẫn vậy. Tháng này là mùa hè. Không gian dường như ít thê lương vì ánh sáng mặt trời vẫn chói chang trên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng. Thi thoảng có những đám mây che phủ trên đầu làm tôi có cảm giác rờn rợn. Mùa hè đã vậy, mùa đông còn ảm đạm như thế nào. Không gian sẽ bao trùm một màu xám ngắt. Xe sẽ không di chuyển được vì lớp tuyết dày bao phủ cả mặt đường. Bác tài bảo tháng 10 là nơi đây đã có những trận tuyết lớn. Đôi khi tuyết nhiều vô kể không biết đâu là núi là trời. Người dân Pamir phải di chuyển vào các hẻm núi hoặc xuôi về thị trấn Khorog trú đông. Đoàn dừng hơn 30 phút mà xung quanh chả có một động tĩnh gì. Thỉnh thoảng xuất hiện những xe ngược chiều từ Osh đổ về hay những toán biker với lỉnh kỉnh hành lý đang quằn lưng trên những đoạn dốc cao. Đây là đoạn đường được dân mê xe đạp trên thế giới mong muốn chinh phục giống như các nhà leo núi chuyên nghiệp muốn ghi danh mình trên đỉnh Everest. Nếu như, không có những lữ khách như chúng tôi thì Pamir mãi là thế giới đã mất.
Xe chạy hơn 200 kí lô mét thì đến hồ nước mặn Karakul, cũng là điểm dừng chân của cặp du khách người Đức ban sáng. Đây là hồ nước có đường kính 25 kí lô mét, sâu và khép kín với màu xanh huyễn hoặc của trời. Hồ như một viên ngọc xanh khổng lồ nằm sát biên giới với Kyrgyzstan và Trung Quốc được vây quanh bởi dãy Pamir trùng điệp. Xe dừng lại ngôi làng bên hồ Karakul để nghỉ ngơi sau nửa chặng đường. Đây là một ngôi làng nhỏ được xây dựng bên hồ Karakul, nép mình bên ngọn núi Lenin cao 7.134 mét. Chừng khoảng bốn hay năm mươi ngôi nhà chủ yếu được xây dựng bằng những chiếc container gỉ sét thời Xô Viết, xen kẽ là những yurt truyền thống có kích cỡ khác nhau. Ngôi làng chủ yếu phục vụ cho khách du lịch ít ỏi trên con đường Pamir ít dấu chân người. Xe chạy đến ngôi nhà phía cuối làng, có cửa hướng ra hồ Karakul. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ Tajikistan đôi má cháy đỏ đặc trưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao. Người phụ nữ mặc bộ đồ truyền thống nhiều màu sặc sỡ mời chúng tôi cốc sữa ngựa có pha thêm vài miếng vỏ quế nâu. Chị ta cho chúng tôi biết sống ở đây cùng chồng và hai con. Anh chồng đang hướng dẫn một vài lữ khách cưỡi ngựa ven hồ. Hai đứa con thì đang chăn thả đàn gia súc ngoài sườn núi cách đó không xa. Họ giống như hàng ngàn hộ gia đình trên dãy Pamir sống kiểu du mục tự cung tự cấp như hàng ngàn năm nay. Kể từ khi đoạn Pamir được nâng cấp trong vài ba năm gần đây, họ có thể kiếm thêm thu nhập từ lượng khách du lịch vãng lai qua lại trên cung đường này. Gia đình họ cũng dựng thêm vài ba cái Yurt nhỏ để cung cấp dịch vụ homestay cho khách du lịch nhưng cũng chỉ phục vụ vào những ngày hè ngắn ngủi.
Kết quả hình ảnh cho Karakul lake
Trước khi qua cửa khẩu hai nước, anh tài xế dừng lại cho chúng tôi chiêm ngưỡng cột mốc biên giới huyền thoại gắn biểu tượng chú cừu sừng xoắn, con vật đặc trưng trên dãy Pamir. Đứng trên mỏm đá cao nhìn xuống dưới, tôi nhận ra một con đường mòn nhỏ xíu, như một sợi chỉ ngoằn ngoèo uốn khúc qua những bình nguyên rộng lớn và chìm dần ở cuối tầm mắt. Những bánh xe đã in hằn xuống thành rãnh trên con đường này. Rải rác dưới những triền cỏ bao la là bầy thú nuôi trăng trắng, li ti bóng lên dưới ánh nắng mặt trời. Phía trước đang là vùng đất màu mỡ mà những đoàn lữ hành vỡ òa hạnh phúc khi đã qua khỏi những đỉnh cao chót vót, hiểm trở của Pamir.
Chúng tôi nhanh chóng làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu hai nước nằm chơi vơi trên các đỉnh núi màu đất đỏ do kiến tạo địa chất đặc biệt của vùng này. Một vài chiếc xe con chở khách đi từ hướng Osh qua lại Murghab, hướng đi phổ biến của khách du lịch khi khám phá cung Pamir như tôi đã nói. Cửa khẩu cũng là nơi phía Tajikistan kiểm soát giấy phép GBAO đối với khách du lịch khi trải nghiệm trên con đường ở nơi thâm sơn cùng cốc trên bản đồ thế giới.
Xa lộ Pamir tiếp tục trên phần đất Kyrgyzstan. Những cánh đồng cỏ xanh bạt ngàn lấm chấm màu vàng nâu của đàn gia súc hàng nghìn con đang gặm cỏ trên các sườn núi cao quen thuộc. Tôi lại như có cảm giác được trở về lại ngôi nhà của chính mình sau bao ngày xa cách. Vầng dương đã tắt nắng từ lâu, hành trình theo Con đường tơ lụa của tôi cũng dần khép lại tại Osh như đoàn thương nhân đã đến được những thành phố sầm uất của phương Tây. Giờ đây, chỉ còn tiếng thở nặng của bầy lạc đà ở một lữ quán nào đó để chuẩn bị cho chuyến hồi hương vào ngày mai. Chúng sẽ được quay trở về cố hương. Nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng sẽ tiếp tục một hành trình mới như một thiên mệnh. Có thể chúng lại vượt cung Pamir để xuôi về Ấn Độ, Nam Á, hay lại cần mẫn băng qua hoang mạc từ Tân Cương đi lên phía Bắc đến vùng Kazakhstan rộng lớn. Tôi cũng thế, vẫn sẽ tiếp tục cuộc hành trình rong ruổi mới để có được những hồi ức trọn vẹn về Con đường tơ lụa huyền thoại năm nào..."

(Nguyen Hoang Bao)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ