KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC ARMENIA- PHẦN 2

Armenia – nơi của những câu chuyện huyền bí (Phần 2)


Về khách sạn lúc 1h sáng, mình chỉ có 5 tiếng ngủ để sáng mai dậy sớm kịp cho City tour đến 1 số địa điểm trong thủ đô Yerevan ở Armenia. Sau khi ăn sáng xong, mình và 1 số chú trong đoàn ra phía trước ngắm quảng trường Cộng hòa Yerevan.

Quảng trường cộng hoà Yerevan ở Armenia

Mình nói đôi nét về quảng trường này để mọi người dễ hình dung nhé. Quảng trường Cộng hòa Yerevan được xây dựng từ năm 1926-1958 từ thiết kế của kiến trúc sư Alexander Tamnian theo phong cách Tân cổ điển (Neoclassical). Ở giữa quảng trường có một phần đá hình bầu dục nhô lên biểu hiện cho sự truyền thống Armenia. Bao quanh quảng trường là 7 công trình kiến trúc chính, được quy hoạch đồng đều. Toà nhà chính diện là Bảo tàng Quốc gia của Armenia. Nếu lấy tòa nhà lấy làm tọa độ hướng về tâm của quảng trường thì phía bên tay trái bao gồm các công trình như Tòa nhà làm việc của chính phủ – Bộ Tài chính, Bộ Vận tải và Truyền thông. Bên phía tay phải là các tòa nhà của Bộ Quản lý lãnh thổ, Bộ Ngoại giao, Khách sạn Marriot.


Tòa nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Tài chính vào buổi sáng
Bộ Vận tải và Truyền thông tại quảng trường Cộng hòa Yerevan
Dịch vụ cho thuê xe của khách sạn Marriot

Cả đoàn đợi được một lúc thì xe đến. Các tuyến phố thật khang trang và được quy hoạch bài bản. Bác nào đã từng đi Bình Nhưỡng thì thấy mặc dù họ chưa phát triển cao nhưng thủ đô được quy hoạch rất chi tiết và lâu dài, họ có cả tàu điện ngầm. Ở Yerevan cũng thế, hệ thống tàu điện ngầm chỉ phục vụ xung quanh và trong thủ đô. Theo mình biết thì các quy hoạch đô thị ở cả Yerevan hay Bình Nhưỡng đều do những con người Xô Viết thực hiện.


Con đường trải nhựa của thủ đô Yerevan.
Con đường đá, vết tích cổ của thủ đô.

Khu kỷ niệm Yerevan Cascade ở Armenia

Xe dừng lại, cả đoàn xuống thăm quan khu kỷ niệm Yerevan Cascade. Đây là một công trình được xây dựng từ thời Xô Viết. Do năm 1991, Liên Xô tan rã, công trình này vẫn chưa được hoàn tất. Đến nay, việc tu bổ và tiếp tục thực hiện công trình này vẫn đang được chính quyền thực hiện một cách chậm rãi do thiếu ngân sách. Mục đích của khu kỷ niệm này là để chào mừng ngày Xô Viết chiến thắng.


khu tưởng niệm Yerevan Cascade ở Armenia
Yerevan Cascade

Nhà thờ Surb Zoravor ở Armenia

Dừng chân không được lâu, mình phải di chuyển đến nhà thờ Surb Zoravor. Đây là một trong những nhà thờ cổ của Armenia. Nó được hoàn thành vào năm 1694. Nói đến kiến trúc nhà thờ thì đó là một niềm tự hào của người Armenia. Lối kiến trúc nhà thờ ở đây rất riêng và mỗi nhà thờ được xây lên đều gắn liền với một chuyện tích nào đó.


Cổng vào nhà thờ.
Surb Zoravor Church of Yerevan

Nhà thờ Saint Sarkis Cathedral ở Armenia

Tiếp tục hành trình, mình đến nhà thờ Saint Sarkis Cathedral, nằm ngay trung tâm của thủ đô Yerevan. Được biết, nhà thờ này được xây vào thế kỷ thứ 11 và là một trong những nhà thờ cổ nhất của đất nước này. Điều đặc biệt trong nhà thờ này đó là có tảng đá, thứ mà Jesu từng chỉ tay vào và nói “đây là cái nôi của đạo giáo”. Khi hoàn tất việc hành lễ, các tín đồ rời nhà thờ bằng tư thế đi lùi và mặt luôn hướng về chánh điện. Các nhà thờ ở Armenia đều được xây dựng hướng về phía đông.


Nhà thờ Saint Sarkis Cathedral (gần Đại sứ quán Hoa Kỳ)
Bên trong nhà thờ

Vì nhà thờ nằm ở một vị trí rất đẹp trong thủ đô, khi bước ra khỏi nhà thờ, đập vào mắt mình đó là một góc thủ đô Yerevan yên bình. Các bạn có thể thấy cây cầu trong hình phía dưới. Cây cầu này được gọi là Cầu Đá hay còn có tên gọi khác là Cầu Chiến Thắng. Cây cầu này được xây dựng năm 1945 dưới thời Xô Viết nhằm chào mừng chiến thắng vệ quốc trước Đức Quốc Xã.


Cầu Chiến Thắng, Yerevan.

Khoảng thời gian ngắn ngủi ở một đất nước hoàn toàn xa lạ đã khiến mình có thêm trải nghiệm đặc biệt. Đây là một đất nước đầy đau thương với các cuộc chiến tranh với nhiều nước láng giềng, nhưng vẻ đẹp của nó thật yên bình và huyền bí đến mức làm phải lòng những người khách như mình. Nếu có cơ hội, mình sẽ quay lại nơi này để lên những thước ảnh đẹp hơn, độc đáo hơn, lạ lùng hơn.
Tạm biệt Armenia, đất nước với những câu chuyện huyền thoại hấp dẫn…
(Nguồn: Lê Phương Khánh   |   Armenia 2013)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ