KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC ARMENIA- PHẦN 1

Khám phá Armenia – nơi của những câu chuyện huyền bí (Phần 1)

Mình rất thích lăn tăn đi đây đi đó cho hiểu biết thêm nhiều điều. Số là có dịp được theo chân một đoàn làm việc sang Armenia từ 25-27/5/2013 vừa qua, mình đã tranh thủ ít thời gian để khám phá Armenia. Mình xin chia sẻ những cảm xúc cùng những tâm tư của chuyến đi ngắn ngủi này dành cho các bạn quan tâm. Bạn nào đã từng đi đến vùng đất này, nếu có thông tin gì thêm thì cùng mình chia sẻ luôn nhé.

Xin visa Armenia như thế nào?

Đầu tiên, mình xin nói về chuyện làm thủ tục visa để sang khám phá Armenia. Đoàn mình đi có 12 người, trong đó 3 bác đã có Hộ chiếu Ngoại giao (Diplomatic) và có 8 bác mang Hộ chiếu Công vụ (Official), chỉ có mình là Hộ chiếu phổ thông. Vừa qua thì Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Armenia về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 09/04/2013. Vì vậy bác nào mà có Hộ chiếu ngoại giao, công vụ coi như là ổn nhé.
Đối với các bạn mang hộ chiếu phổ thông như mình thì hơi phức tạp chút trong việc xin visa Armenia. Armenia không có cơ quan ngoại giao nào đặt tại Việt Nam. Hai nước đang dự kiến đặt Đại sứ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau (theo tin đồn). Do đó, bác nào muốn xin visa Armenia phải xin visa Armenia ở Đại sứ Armenia ở Bắc Kinh (Trung Quốc), phí làm visa Armenia là 7USD nhưng vé máy bay sang Bắc Kinh hơi cực hihi.
khám phá armenia

Đi đến Armenia như thế nào?

Sau khi lo đầy đủ mọi thủ tục, giờ đến việc di chuyển đến Armenia bằng con đường nào? Aremina hiện nay đang tiếp giáp với 4 quốc gia khác bao gồm: Georgia (Gruzia), Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ), Azerbaijan và Iran. Tuy nhiên cả Azerbaijan và Iran đều không được Armenia đặt quan hệ ngoại giao vì tranh chấp lãnh thổ (mình sẽ nói ở phần sau). Do đó, nếu bác nào tính đường bộ, thì có thể đi từ Georgia hoặc Iran (bạn rất thân của Armenia). Mình thì di chuyển bằng máy bay. Để bay đến đây, mình đã di chuyển theo chuyến Hồ Chí Minh – Moscow – Yerevan. Ngoài ra, các bác có thể bay từ Ukraine, Đức,…để đến Armenia.
khám phá armenia

Bắt đầu khám phá Armenia

Trước khi đi, mình đã tìm hiểu khá nhiều về thông tin ở Armenia, đặc biệt là lịch sử của đất nước này. Armenia là một đất nước còn khá mới mẻ với nhiều người, và đây là một trong số ít quốc gia không có China Town và có cả chính sách hạn chế người Trung Quốc nhập cảnh để tránh tình trạng “đô hộ kiểu mới” của Trung Quốc.
Đến sân bay của thủ đô Yerevan vào lúc 23h, cả đoàn đã khá mệt mỏi do phải di chuyển khá dài từ Việt Nam. Ấy thế mà phần nhập cảnh khá nhọc nhằn với đoàn vì 1 lý do hết sức đơn giản là “lần đầu tiên có đoàn Việt Nam đông sang Armenia”. Do vậy, an ninh sân bay bối rối trong việc làm thủ tục, ngay cả hộ chiếu ngoại giao cũng không có quyền ưu tiên gì. Nói chung mọi thứ cũng ổn, ra ngoài sân bay, mình lên chuyến xe chở cả đoàn về khách sạn tại quảng trường trung tâm thủ đô bắt đầu những ngày khám phá Armenia
khám phá armenia
Điều đầu tiên mà mình cảm nhận về đất nước này đó là nó hiện đại hơn mức mình nghĩ rất nhiều lần. Đường sá, nhà ở, các công trình được quy hoạch một cách thông minh và rất gọn gàng. Có lẽ, đất nước này đã bắt đầu tạo thêm cho mình nhiều động lực để tìm hiểu rồi.

Ngày đầu tiên – Hồ Sevan và vùng cao nguyên tuyệt đẹp

Cả đoàn sau khi ăn sáng tại khách sạn, đã lên đường đi đến một khu khai thác mỏ kim loại ở gần biên giới Iran. Trên đường đi, cả đoàn đã đi ngang qua hồ Sevan ở Armenia. Đầy là hồ lớn nhất ở Armenia và vùng Caucasus. Nó là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất ở trên thế giới nằm ở độ cao lớn (theo Wikipedia).

Một số quan cảnh quanh khu vực hồ Sevan
Một số quan cảnh quanh khu vực hồ Sevan

Thời kỳ Armenia thuộc Liên Xô, Stalin đã ra lệnh rút nước hồ Sevan xuống để tăng diện tích đất lên, nhằm phục vụ cho mục đích nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, nước rút xuống đã gây ra sự thay đổi sinh học ở khu vực này một cách nhanh chóng. Nhiều loài trong hồ đã mất đi, cây cối được trồng xung quanh khu vực mới rút nước cũng không sống được do đất là lớp đá vôi. Ngày ấy, trong hồ Sevan này có 4 loài thuộc họ cá chép. Stalin đã mang thêm 1 số loại cá ở Nga đem về đây nhân giống thử. Điều đó tưởng chừng rất tốt, ai dè những loài cá mới đã ăn thịt hết những loài cá bản địa trong hồ. Ngày nay, chỉ còn 2 loài cá bản địa còn sinh sôi đẻ nở thôi.

Quang cảnh thật đẹp
Phải mất gần 1 tiếng đi xe, chúng tôi mới đi qua hết 68km chiều dài của hồ Sevan

Phải mất gần 1 tiếng đi xe, chúng tôi mới đi qua hết 68km chiều dài của hồ Sevan khi khám phá Armenia. Trên đường đi, tôi tiện tay chụp vài tấm hình ở khu vực ngoại ô. Hình như Armenia dồn sức dồn của để xây dựng thủ đô Yerevan, khu vực nông thôn rất thiếu thốn, nhà cửa không được khang trang. Các công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Xô Viểt được giữ lại cho đến giờ, được xem là vết tích của một thời đáng nhớ của người dân nơi đây.

Khám phá Armenia vùng ngoại ô thành phố


Khu vực ngoại ô
Khu vực ngoại ô
Một trong những công trình kiến trúc xây dựng từ thời Xô Viết

Khi khám phá Armenia, chúng tôi thấy người dân ở đây hiền hậu, rất hiếu khách. Món ăn ở đây với mình khá dễ chịu. Thành phần chính của bữa ăn ở đây gồm bánh mỳ, các loại trái cây muối mặn, ăn với thịt cừu nướng, cá nướng và khoai tây. Thường trong một bữa ăn, người ta thường uống với rượu vodka Ararat để giữ ấm cho cơ thể.

Con người ở Armenia
Những đứa trẻ hồn nhiên
Thành phần chính của bữa ăn ở đây gồm bánh mỳ, các loại trái cây muối mặn, ăn với thịt cừu nướng, cá nướng và khoai tây.

Ngoại trừ thủ đô Yerevan, khám phá Armenia ở vùng ngoại ô thành phố, chúng tôi thấy người dân di chuyển qua lại chủ yếu bằng xe đạp hoặc xe Lada. Mình thì không biết nhiều về xe Lada này, chỉ nghe nói là đó là loại xe mà thời Liên Xô các nước hay dùng thôi.

Xe Lada

Sau khi làm việc xong ở tỉnh Vayots Dzor, cả đoàn tiếp tục lên xe đi tỉnh Ararat, giáp ranh với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Vayots Dzor, chúng tôi phải băng qua nhiều con đèo ngoạn mục để đến được vùng đồng bằng Ararat. Phải nói cảnh tượng hiện ra trong chúng tôi là những dãy núi thật hùng vĩ với các đỉnh được băng tuyết bao phủ hầu như quanh năm. Bên dưới chân núi là các thung lũng, vùng đồng bằng với các loài hoa dại đua nhau khoe sắc chào nắng ấm. Tuyệt lắm các bạn à, nhìn khung cảnh này, được hít thở không khí trong lành, tôi cứ tưởng mình đang lạc ở đâu trên cõi thần tiên đấy hihii. Ngày đầu tiên khám phá Armenia thật nhiều thứ hay ho để kể.

Cảnh thần tiên
Ở vùng đồng bằng Ararat

Núi Ararat phía bên Armenia

Nếu ai đã từng nghe về sách Sáng Thế trong Kinh Thánh, ắt hẳn sẽ không thể không biết đến chuyện Nô-ê (Noah) đã dùng con tàu để tự cứu ông và gia đình, bảo tồn thế giới động vật, thực vật khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa. Ngày nay, trên đỉnh núi Ararat (nay thuộc Thỗ Nhĩ Kỳ) vẫn còn dấu tích của con tàu này. Núi Ararat là núi cao nhất trong vùng và từng là một phần của Armenia cho tới tận khoảng năm 1915, khi nó rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ (theo một thỏa thuận của Xô Viết về vấn đề lãnh thỗ). Hiện nay, người Armenia vẫn coi núi Ararat là biểu tượng của họ. Các bạn có thể thấy trong con dấu nhập-xuất cảnh của Hải quan đóng lên passport của mình đều có biểu tượng núi Ararat. Dưới chân núi Ararat, phía lãnh thổ của Armenia có rải rác vài ngôi làng. Những chú cò mà ở quê ta thường thấy trên cánh đồng ruộng, thì ở đây chúng làm những chiếc tổ trên cột điện. Điều này khiến không ít du khách như mình hiếu kì.

Những cảnh tượng kì thú tại chân núi Ararat

Một điều lạ lùng nữa đó là Ararat có 2 đỉnh, ở đỉnh thấp hơn, chúng ta có thể được mặt của một vị “thánh” (người dân gọi là chúa, mình không chắc nên gọi là vị “thánh”) từ phía Armenia. Ở giữa 2 ngọn núi, có 1 vùng lõm xuống, người dân nói đó giống như gương mặt của Noah đang ngửa lên trời. Mình cũng không tin lắm, nhưng nhìn kỹ thì thấy họ nói có phần nào đó đúng mọi người à.
Mình thật sự cũng không rõ lắm về những lời đồn thế này, nhưng theo những gì tìm hiểu cùng với lời nói của cô bạn tên Gogar làm hướng dẫn viên cho đoàn nói thế, cùng với những điều lạ lùng ở vùng đất gần dãy Ararat càng khiến mình cảm thấy đây là vùng đất thật sự huyền bí. Nếu như Thăng Long nhà ta đã hơn 1000 năm, thì vùng đất này đã hơn 3000 năm rồi. Ở đây, người ta nói là cái nôi của Đạo Thiên Chúa, nơi mà Chúa Jesu đã chỉ tay vào 1 tảng đá và nói rằng: “Đây là cái nôi của loài người”…

Đỉnh núi Ararat thấp hơn nhìn từ phía xa xa
Khi mây tan dần, đỉnh Ararat thấp hơn dần dần hiện rõ gương mặt của vị “thánh”
Cây thánh giá với Ararat

Thủ đô Yerevan ở Armenia

Trời sập tối vào lúc 20h (giờ địa phương), chúng tôi dành chút thời gian ngắn ngũi còn lại để thưởng thức bữa ăn tối cùng đồng nghiệp. Sau đó đi dạo khu quãng trường gần khách sạn và cùng khám phá Armenia ở thủ đô vào ban đêm. Khu quãng trường này do một nhà kiến trúc sư tài giỏi (rất tiếc là giờ mình không còn nhớ tên ông ấy) thiết kế. Nói thêm về thủ đô Yerevan, nó được bắt đầu tính từ thế kỷ 8 trước Công Nguyên, với việc thiết lập pháo đài Urartia Erebuni năm 782 trước Công Nguyên tại cực tây của đồng bằng Ararat. Sau thế chiến I, Yerevan đã trở thành thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Armenia khi hàng ngàn người sống sót sau vụ diệt chủng Armenia đã định cư tại khu vực này. Thành phố đã được mở mang nhanh chóng trong thế kỷ 20 khi Armenia trở thành một trong 15 nước cộng hòa trong Liên Xô. Trong 50 năm, Yerevan đã được phát triển từ một thị xã vài ngàn dân trong thời kỳ đầu của nước cộng hòa thành một trung tâm công nghiệp, nghệ thuật lớn, là trung tâm hành chính của quốc gia. Với sự phát triển của kinh tế Armenia, Yerevan đã trải qua một thời kỳ chuyển đổi lớn khi cả thành phố trở thành một đại công trường xây dựng vào đầu thập niên 2000. Ngày nay, các công trình mới xây dựng này đã bắt đầu xóa dần các công trình được xây trong những năm của thập kỷ 70, thời kỳ thống lĩnh của nhà nước Xô Viết (theo Wikipedia).

Bảo tàng quốc gia Armenia
Cơ quan làm việc của Chính phủ nước Cộng hòa Armenia

(Nguồn: Lê Phương Khánh   |   Armenia2013)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ