Những thành tựu cải cách giáo dục ở Hunza Valley

Những thành tựu cải cách giáo dục ở Hunza Valley

Thung lũng Hunza thuộc vùng Gilgit-Baltistan ở phía Bắc Pakista, khu vực này thuộc sự kiểm soát của chính phủ Pakistan. Nơi đây rất an toàn và được mệnh danh là thiên đường hạ giới với cảnh đẹp, các dãy núi cao, người dân thân thiện và hiếu khách. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất khi tới Hunza Valley là hệ thống giáo dục ở đây rất tốt, hơn 70% người dân Hunza có thể giao tiếp bằng tiếng anh và tỉ lệ biết chữ ở Hunza cũng cao nhất ở đất nước Pakistan.
Hunza Valley nằm ở độ cao 2500 mét so với mực nước biển, con đường từ thủ đô Islamabad tới vùng đất này chưa được đầu tư nhiều, rất nhiều đoạn sạt lở, đường xấu, xóc nảy. Tuy quãng đường chỉ khoảng hơn 200km nhưng tôi đã mất 14 tiếng ngồi trên xe mới tới được Hunza. Những khu vực khác xa xôi, nằm sâu trong Hunza hơn đường xá đi lại cũng khó khăn. Tuy điều kiện khắc nghiệt, hiểm trở như vậy mà tỉ lệ dân số biết đọc biết viết ở Hunza là 77%, trong khi tỉ lệ này ở toàn bộ Pakistan chỉ là 58%. Một số thị trấn nằm trong Hunza Valley như Karimabad, Passu.. thì hầu hết những người trẻ dưới 30 tuổi đều biết đọc biết viết và có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Ngôi trường tiểu học đầu tiên ở Hunza được thành lập vào năm 1913 bởi những người Anh ở Ấn Độ, cho tới nay giáo dục ở Hunza có thể nói là ước mơ của rất nhiều địa phương. Có 3 yếu tố chính khiến cho giáo dục ở Hunza phát triển đáng ngạc nhiên như vậy.
Sự đóng góp của gia tộc Agan Khan
Từ đầu thế kỉ 20 cho tới nay gia tộc Aga Khan được coi là lãnh tụ tinh thần của những người dân theo đạo hồi dòng Shia ở Hunza. Năm 1946, ngài Sultan Muhammad Shah – Aga Khan III đã bảo trợ và xây dựng 16 trường học đã được thành lập có tên là Diamond Jubilee. Hơn thế, ngài đã đã thuyết phục các Mirs – người đứng đầu của bang Hunza chú trọng hơn vào giáo dục. Năm 1957, cháu nội của ngài là hoàng tử  Karim Agha Khan lên kế vị và thành lập Mạng lưới phát triển Aga Khan (AKDN – The Aga Khan Development Network). AKDN đã cùng hợp tác với một số các tổ chức từ thiện khác đầu tư hàng trăm triệu đô la để cải thiện cuộc sống, giáo dục, nâng cao nhân quyền ở châu Phi cận Sahara, Trung và Nam Á và Trung Đông.
Tại Pakistan, trong hơn bốn thập kỷ qua, AKDN đã giúp mở đường, thành lập các trạm y tế và trung tâm xử lý nước cho 65.000 cư dân. AKDN đã xây dựng hơn 160 trường học, đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào giảng dạy các chương trình giáo dục cải tiến, chính sách học bổng cho học sinh, lãnh đạo trường học là những người có kiến thức và tâm huyết. Hàng chục ngàn học sinh và giáo viên đã được đến trường. Nhờ có AKDN, học sinh và sinh viên ở Hunza đã được hưởng rất nhiều lợi ích, trường học từ tiểu học cho tới đại học, ký túc xá đều có khuôn viên rộng, được bảo bọc với núi tuyết, cây cối xanh mướt. Khi tới trường, trẻ em đến trường sẽ được học bằng tiếng Urdu và tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Wakhi. Sau khi xong học cấp hai, các em học sinh nữ có thể đăng ký vào trường trung học dành cho nữ sinh Aga Khan, chỉ dạy môn toán và khoa học. Những học sinh sinh viên của Hunza sau khi ra trường đang hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề như y học, kỹ thuật, nông nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu, làm công tác xã hội và điều dưỡng.
Người dân Hunza theo đạo hồi dòng Shia
Khác với những nơi có nhiều người dân theo đạo Hồi, ở Hunza ai cũng đều toát lên vẻ thân thiền, hiền hậu, dễ mến. Người dân Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismaili – giáo phái ôn hòa nhất của đạo Hồi. Họ không cực đoạn nghiêm khắc, không bắt phụ nữ che kín cơ thể bằng khăn, phụ nữ đàn ông bình đẳng như nhau, các trẻ em gái và phụ nữ được tôn trọng ở Hunza. Họ rất coi trọng giáo dục và có suy nghĩ giáo dục sẽ là nền tảng cho một cuộc sống bền vững và tri thức là khởi nguồn của sự giàu. Cha mẹ ở Hunza tin chắc rằng điều tốt nhất họ có thể làm cho con cái là giúp chúng có được một nền giáo dục tốt. Họ sẵn sàng gửi con gái đến các thành phố xa như Karachi, Lahore, Peshawar…để con cái được học tạp ở những trường học có chất lượng cao. Ngài Iqbal Walji – chủ tịch Hội đồng quỹ Aga Khan tại Pakistan cho biết Thung lũng Hunza đã được giải thoát khỏi hệ tư tưởng cực đoan đã bén rễ ở các vùng khác của đất nước. Khi bản thân người dân ở đây có tư tưởng coi trọng giáo dục, cộng với việc các trường học với các điều kiện cơ sở vật chất tốt, giáo viên là những người giỏi, kiến thức rộng thì việc có một nền giáo dục bậc nhất ở Pakistan là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một quản lý khách sạn 41 tuổi ở Karimabad, ông Javed chia sẻ: “Khi tôi còn đi học, rất ít người có thể nói tiếng Anh nhưng bây giờ, tất cả mọi người đều có thể nói thành thạo.” Hay Ali Murad, 66 tuổi, cho biết ông rất biết ơn về sự hỗ trợ tài chính đã giúp giải thoát gia đình ông và các gia đình khác khỏi sự cô lập của cuộc sống miền núi. Hai trong số ba người con trai của ông đã tốt nghiệp đại học. Một người làm đầu bếp ở Dubai và người còn lại làm phiên dịch viên tiếng Trung.
Sự đầu tư từ chính phủ Pakistan
Chính phủ Pakistan bắt đầu mở các trường công lập và các trường cộng đồng ở khu vực phía Bắc, bao gồm Hunza. Năm 1991, một trường cộng động kiểu mẫu Al-Amyn Model School đã được thành lập ở làng Gulmit đã mang lại cho người dân địa phương những trải nghiệm mới, giúp họ cảm thấy gần gũi hơn giữa phụ huynh và nhà trường. Tại đây, cha mẹ và ông bà được mời đến trường để chia sẻ những kinh nghiệm sống, đưa ra những lời khuyên quý cho thế hệ trẻ, họ đã nhận thấy kiến ​​thức của họ không bị lỗi thời và thế hệ trẻ có thể hưởng lợi từ nó. Từ thành công của Al-Amyn Model School, rất nhiều trường cộng đồng đã được xây dựng tại Hunza trong những năm qua.
Chính phủ Pakistan cũng đã thành lập Đại học Karakoram ở Gilgit. Rất nhiều sinh viên của Hunza đang theo học tại đây và trường đại học này cũng tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Tỷ lệ biết đọc biết viết của Hunza là 77%, còn riêng Karimabad thì hầu như tất cả mọi người dưới 30 tuổi đều có thể đọc và viết. Báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới kết luận tỷ lệ biết chữ của nữ giới ở Hunza đã đạt 90%, so với 5% ở một huyện miền núi Diamer cách đó khoảng năm giờ đi đường. Câu chuyện về giáo dục của thung lũng Hunza cho chúng ta thấy, khó khăn và thách thức có thể vượt qua nếu các lãnh đạo, người cầm quyền có tâm huyết và quyết tâm đầu tư cho thế hệ trẻ, cộng đồng được tin tưởng và có những tư tưởng tiến bộ từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Đây có thể là tấm gương cho các khu vực khác của Pakistan học tập và triển khai theo.
(Tran Hong Ngoc)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ