NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI ĐẾN STOCKHOLM THỤY ĐIỂN– PHẦN II

NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI ĐẾN STOCKHOLM – PHẦN II


Những trải nghiệm thú vị khi đến Stockholm – Phần II

1. Stockholm mùa giảm giá:

Ở Thụy Điển có 2 mùa giảm giá lớn trong năm: sau Giáng sinh và sau mid-summer (cuối tháng 6). Gọi là giảm giá lớn nhưng có lẽ không thể so sánh được với 1 vài nước như Đức, Hà Lan, Anh. Nếu như mua mỹ phẩm: “2 tặng 1” hoặc “mua 1 tặng 1” ở các siêu thị Hà Lan là chuyện cực kỳ bình thường thì ở Thụy Điển, người ta phải chờ đến mùa giảm giá.
Mùa giảm giá đến, đường phố đỏ chót một màu với các biển quảng cáo “REA” (sale). Người người, nhà nhà hớn hở xách túi lớn, túi bé. Sinh viên nghèo như mình chả mấy khi mò vào Zara, Mango.. thì cũng tậu được đôi ba bộ. Đã nhất là các bạn Stadium (chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ thể thao), bên cạnh sale 50% tất cả các mặt hàng, nếu khách hàng mua trên 5 sản phẩm bất kỳ (1 đôi tất hay 1 bộ áo trượt tuyết cũng tính là 1 sản phẩm), lại được sale tiếp 50% trên tổng hóa đơn. Vậy là 1 đôi giày tập tennis Adidas giá 1000kr (khoảng 3tr vnd) mua kèm 4 đôi tất cùng hiệu, tổng hóa đơn chỉ khoảng 1tr vnd, bảo sao cứ sau mùa sales là sinh viên bọn mình, đứa nào tóc cũng xoăn tít và ngả vàng theo màu của mỳ gói.
Giảm giá kiểu Thuỵ Điển
Khác với giảm giá mỹ phẩm, quần áo, giày dẹp và phụ kiện; mùa giảm giá sách ở TĐ bắt đầu vào ngày 26/2 hàng năm. Ở một đất nước mà thứ gì cũng đắt đỏ như Thụy Điển thì một cuốn sách ngoại ngữ dạy trong nhà trường, dày khoảng 200 trang có giá hơn 400kr (khoảng hơn 1tr2 vnd) cũng không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Thế nên dù ngày làm việc bình thường bắt đầu từ 9h sáng thì người dân Thụy Điển vẫn sẵn sàng xếp hàng từ 6-7h trước cửa các Akademibokhandeln để mua kịp những cuốn sách giảm 70% trước khi sold-out.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chồng mình cũng le te xách về 1 cuốn sách ảnh có tên “Dokument Stockholm” nặng gần 7kg in trên giấy couche màu với giá… 129kr. Quả là một món hời, mình nghĩ thế… Trong khi chồng mình ngồi nghiên cứu góc chụp và địa điểm chụp trên cuốn sách thì mình có thể lôi ra tập thay tạ hàng ngày. 2 quả tạ loại 2-3kg ở Stadium bán còn đắt gấp đôi ấy chứ

2. Skogskyrkogården và All Saints’ Day:

Ngày Lễ Thánh ở Thụy Điển được tổ chức vào thứ bảy, khoảng từ 31/10 đến 6/11 hàng năm, tùy theo lịch. Và nơi đẹp nhất để tổ chức lễ kỷ niệm này là Skogskyrkogården
Nghĩa trang Skogskyrkogården đặc biệt ngay từ cái tên của nó. Dám chắc là 90% người nhìn thấy lần đầu sẽ mất gần 2 phút để đọc chính xác tên và nhớ được cách viết của từ này, mặc dù trong tiếng Thụy Điển còn nhiều từ dài kinh khủng hơn, ví dụ: “Spaningssimulatoranläggningsmaterielunderhållsuppföljningssystemdiskussionsinläggsförberedelsearbeten”
Được xây dựng ở phía Nam Stockholm từ những năm 1900, Skogskyrkogården được coi là một trong những sáng tạo quan trọng nhất của kiến trúc hiện đại, một di sản văn hóa được Unesco công nhận. Skogskyrkogården mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng của nó. Nhưng có lẽ ánh sáng từ hàng ngàn ngọn nến vào ngày lễ thánh All Saint´s Day khiến nó trở nên huyền diệu hơn cả. Vào ngày này, người Thụy Điển từ khắp nơi trên đất nước đổ về để đặt nến thắp sáng trên ngôi mộ của những người thân yêu đã khuất.
Thông thường, nghĩa trang mở cửa từ 11h sáng đến 4h chiều, nhưng vào những ngày này, giờ mở cửa là 10h sáng – 8h tối. Cũng sẽ có dàn hợp xướng và các buổi hòa nhạc organ ở nhà thờ Thánh (Heliga Korsets Kapell) từ 3h-7h tối. Bạn có thể dễ dàng đến đây bằng metro, line xanh lá theo hướng Farsta Stran, dừng ở bến Skogskyrkogård. Chỉ cần nhớ 2 điều: 1 là Hãy mang theo đèn pin vì mặt trời bắt đầu lặn lúc 4h kém; 2 là Luôn giữ trật tự và tôn trọng những người xung quanh vì dù đây có là một điểm du lịch nổi tiếng thì về cơ bản, nó vẫn là 1 nghĩa trang.

3. Lagom:

Được xếp vào hạng 3 từ khóa quan trọng nhất với người Thụy Điển, nhưng không nhiều người nhập cư ở đây hiểu chính xác nghĩa của từ “LAGOM”. Cũng giống như “HEJ” không đơn giản chỉ là một câu chào “hello” hay “FIKA” không chỉ là một thứ nước uống hàng ngày “coffee” – “LAGOM” mang nhiều tầng nghĩa, là một nét văn hóa lâu đời được gìn giữ và phát huy, tạo nên một phong cách sống rất riêng của người Thụy Điển.
Thật khó có thể tìm một từ có nghĩa chính xác với “LAGOM” trong tiếng Anh, người ta hiểu nôm na là “just the right amount”, “just enough” – hay “vừa đủ” trong tiếng Việt. Đối với người Thụy Điển, “LAGOM  is The perfect, and best, amount of food, space, laughter and sadness” (Silberman, 2001). Đó là lý do tại sao khi đi ăn buffet, người TĐ chỉ lấy vừa đủ ăn, không thiếu – cũng hiếm khi bỏ phí dù là 1 chút salad hay nước sốt. Đó là lý do tại sao bạn có thể để quên laptop ngoài bếp dùng chung trong ký túc xá với hơn chục sinh viên khác cả nửa ngày cũng không lo bị mất. Đó là lý do tại sao bạn chưa kịp phát hiện mình đã bỏ rơi túi xách đựng ipad trên metro thì đã kịp nhận được cuộc gọi từ một người xa lạ hỏi về món đồ vừa mất, đặc điểm nhận dạng túi đồ và hẹn giờ gặp để trả lại mà không cần hậu tạ bằng tiền hay hiện vật…
Lagom kiểu Thuỵ Điển
Người Thụy Điển không ham thứ không phải của mình, cũng không thích lấn lướt, chà đạp người khác để vơ vét hết về cho mình. Một số người bạn VN của mình giải thích: đó là vì TĐ có hệ thống an sinh xã hội quá tốt. Con cái đi học miễn phí, y tế gần như miễn phí, chế độ cho người thất nghiệp, người về hưu cũng quá tuyệt vời nên dù có phải  đóng một mức thuế thu nhập cao (hơn 30%, tùy theo mức thu nhập) thì họ vẫn vui vẻ, sẵn lòng. Họ không phải lo tiền học phí cho con cái; không lo để dành phòng khi ốm đau; nhà cửa có thể vay ngân hàng để mua trả góp 30-40 năm, thậm chí 60-80 năm… vậy thì còn gì phải lo nghĩ, cần gì phải bon chen. Nhưng mình cho rằng hệ thống an sinh xã hội tốt cũng chỉ là một phần. Không một hệ thống an sinh nào là hoàn hảo, cũng không có nhà nước nào chưa từng đưa ra các quyết sách sai lầm. Nhà nước có tập trung phát triển kinh tế đến mấy mà trình độ văn hóa của người dân không được nâng cao thì cũng không mang lại một kết quả tốt đẹp, lâu dài và bền vững được.
Khi còn nghiên cứu về customer behaviour của người Thụy Điển ở trường đại học, mình có đọc một tài liệu viết rằng: người Thụy Điển sống thiên về cá nhân hơn tập thể, nhưng khác với Mỹ là chủ nghĩa cá nhân theo chiều dọc (vertical individualism) thì chủ nghĩa cá nhân của người TĐ nằm ngang (horizontal individualism). Tuy mỗi người tự chịu trách nhiệm về cuộc sống, về sự phát triển của bản thân mình, nhưng họ e ngại sự cách biệt quá lớn giữa công dân trong xã hội, cả về tiền bạc cũng như địa vị. Họ không muốn làm giàu bằng cách khiến cho người khác nghèo đi. Chính vì thế, người TĐ sẽ chỉ lấy về những thứ do mình làm ra, thuộc về mình, đủ dùng cho mình.
… Chà.. trông “người” rồi lại nghĩ đến “ta”..
(Diep Nguyen)
———
1. Website chia sẽ thông tin du lịch www.phuotlendinh.com
2. Book phòng được siêu giảm giá qua link:
- BOOKING đặt phòng giảm 10% trên toàn cầu và được hoàn từ 10-15$ khi check out. https://booking.com/s/73_6/cuong415
https://www.booking.com/s/35_6/6b8a7069
- AIRBNB đăng ký tài khoản mới bạn được nhận và giảm ngay 800.000 đ với đặt phòng đầu tiên.
https://www.airbnb.com/c/cuongc13?currency=USD
#PHƯỢTLÊNĐỈNH
#CAVICU
———

Post a Comment

Previous Post Next Post

Tài trợ